Chuyển tới nội dung

Lịch sử phát triển

Giới Thiệu Chung

Bộ môn Khoa học biển được thành lập theo Quyết định số 330/QĐ-TĐHHN ngày 27/2/2013 về việc thành lập bộ môn Khoa học biển của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 24/6/2013 về chức năng nhiệm vụ của trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bộ môn Khoa học Biển chính thức được nâng cấp lên thành Khoa Khoa học Biển và Hải đảo.

Hiện tại, khoa gồm 7 giảng viên và 5 giảng viên thỉnh giảng thuộc 2 bộ môn chuyên môn: 

1. Bộ môn Hải dương học, Công nghệ biển và Hàng hải.

2. Bộ môn Quản lý biển. 

Khoa Khoa học biển tổ chức đào tạo chương trình đại học chính quy ngành Khí tượng – Thủy văn biển và Quản lý biển.

2. Ngành Quản lý biển, Mã 7850199
Đào tạo cử nhân, kỹ sư trình độ đại học vể quản lý biển. Cung cấp kiến thức chuyên ngành trong các lĩnh vực sau: a) Quản lý tài nguyên môi trường biển, quản lý vùng bờ, kinh tế biển, luật pháp và chính sách về biển; b) Đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với công việc.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các Viện nghiên cứu quản lý nhà nước về biển, các trường đại học, chuyên viên tại các Bộ ngành liên quan đến quản lý nhà nước về biển, chuyên gia tư vấn tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến biển.

1. Ngành Khí tượng thủy văn biển: Mã 7440299 (Tạm dừng đào tạo từ năm 2019)
Đào tạo kỹ sư Khí tượng thủy văn biển. Cung cấp kiến thức chuyên ngành trong các lĩnh vực sau: a) Các chuyên ngành nghiên cứu khoa học cơ bản về biển như: Địa chất biển; Hóa học biển; Sinh học biển; Vật lý biển; Sinh thái và môi trường biển; b) Điều tra cơ bản về biển; c) Tính toán và dự báo Khí tượng thủy văn biển; d) Đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với công việc.
Theo định hướng phát triền của khoa đến năm 2020 và xa hơn ngành đào tạo Khí tượng thủy văn biển sẽ đổi tên thành Hải dương học và công nghệ biển do bộ môn Hải dương học quản lý. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, kỹ thuật viên và chuyên viên tại các Bộ ngành liên quan đến biển, chuyên gia tư vấn tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến biển.

Ngày 01/06/2018, Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra quyết định số 1962/QĐ-TDHHN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của khoa Khoa học biển và Hải đảo.

Ngành nghề và quy mô đào tạo

Kể từ khi được thành lập, Khoa học biển và Hải đảo (KHB&HĐ) đã và đang phát triển mạnh về nhận lực cũng như cơ sở trang thiết bị nhằm phục vụ đào tạo nguồn nhân lực về khoa học, quản lý biển và hải đảo cho đất nước. Hiện nay, khoa KHB&HĐ đã và đang đào tạo 2 chuyên ngành là Quản lý Biển và Khí tượng Thủy văn Biển với gần 300 sinh viên chính quy, trong đó có gần 200 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Trong những năm tiếp theo kể từ năm 2019 khoa KHB&HĐ có kế hoạch điều chỉnh các chương trình đang đào tạo, mở các chương trình đào tạo mới theo hướng đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong ngành/lĩnh vực biển và nhu cầu thị trường trong việc phát triển kinh tế biển và hàng hải.

Hoạt động nghiên cứu khoa học

Trong 5 năm qua, khoa KHB&HĐ đã và đang tích cực tham gia, thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, trong đó có 02 đề tài cấp nhà nước, 02 đề tài cấp bộ thuộc Bộ TNMT quản lý. Đồng thời các cán bộ giảng viên của khoa tích cực phối hợp tham gia thực hiện các đề tài do các đơn vị ngoài Bộ quản lý. Các cán bộ giảng viên tích cực chủ trì viết và tham gia viết các bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia.

Những thành tích nổi bật

Khoa khoa học biển là cơ sở đào tạo và nghiên cứu tuy mới thành lập nhưng đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp nghiên cứu biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Các giảng viên của Khoa luôn phát huy mạnh mẽ về chuyên môn đảm bảo giảng dạy và tham gia hoạt động đa ngành và ứng dụng thực tiễn đóng góp về khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương và của đất nước, cụ thể đã có một số thành tích đáng khích lệ như sau: Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng cập nhật với quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy, tham gia đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của khoa.Trong 5 năm gân đây số lượng bài báo của các cán bộ, giảng viên trong khoa xuất bản khá thường xuyên trên các tạp chí, hội thảo có uy tín ở trong và ngoài nước, đã có một số bài báo đăng trên tạp chí, hội thảo quốc tế và hơn 50 bài báo đăng ở tạp chí, hội thảo khoa học, quốc gia.

Định hướng phát triển

Để đáp ứng được kế hoạch phát triển, mở rộng đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa trong thời gian tới, khoa KHB&HĐ đã và đang có kế hoạch nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các giảng viên như sẽ cử các giảng viên trẻ đi đào tạo Tiến sĩ tại các nước Úc, Hà Lan, Nhật … theo các chuyên ngành Hải dương học,  Sinh thái học và Môi trường Biển… Theo chiến lược phát triển của Khoa, đến năm 2020 khoa KHB&HĐ sẽ có  02 PGS, 08 Tiến sĩ và toàn bộ giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên.

Trong thời gian tới, khoa KHB&HĐ sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, quản lý biển. Tiếp tục triển khai các đề tài, dự án và tham gia xây dựng, đấu thầu những đề tài, dự án mới về khoa học biển. Xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ Biển với các thiết bị nghiên cứu hiện đại về hải dương học, động lực biển, phân tích môi trường biển… nhằm đáp ứng nhu cầu thực tập của sinh viên cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biển và hải đảo Theo chiến lược phát triển của khoa đến năm 2025, khoa KHB&HĐ sẽ mở rộng các lĩnh vực đào tạo về Hải dương học và Công nghệ biển, Hàng hải, Sinh thái và Môi trường biển, Kinh tế biển cho sinh viên đại học và tiến tới đào tạo Thạc sĩ về Khoa học biển từ năm 2020.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên

Cơ cấu tổ chức của khoa KHB&HĐ gồm Ban Lãnh đạo khoa và 02 Bộ môn, tổng số 7 giảng viên cơ hữu và 05 giảng viên thỉnh giảng. Trong đó gồm có 02 Phó Giáo sư TS, 5 Tiến sĩ, 5 Thạc sĩ. Các giảng viên trong khoa được đào tạo, tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín trên thế giới như từ Mỹ, Úc, Nhật, Nga, Hà Lan, Singapore… và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực biển và hải đảo.

Chức năng nhiệm vụ Khoa Khoa học biển và hải đảo - từ 01/06/2018

Điều 1.  Vị trí và chức năng

Khoa Khoa học biển và hải đảo là đơn vị chuyên môn thuộc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có chức năng giúp Hiệu trưởng tổ chức thực hiện công tác giảng dạy thuộc các lĩnh vực Khí tượng thủy văn biển, Quản lý biển ở các trình độ đại học, sau đại học và các bậc học đang đào tạo tại Trường; triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo thuộc ngành, lĩnh vực Khoa học biển và hải đảo và các hoạt động giáo dục khác theo phân công của Hiệu trưởng. Khoa hoạt động theo quy định của Điều lệ Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với các chức năng, nhiệm vụ được cụ thể hóa theo quy định này.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Thực hiện công tác đào tạo và giảng dạy.

a)      Phối hợp với Phòng đào tạo và các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyển sinh, tốt nghiệp cho các bậc học.

b)      Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập, đánh giá kết quả học tập của người học ở các bậc học thuộc các lĩnh vực Khoa học biển và hải đảo: Quản lý biển, Khí tượng thủy văn biển, Hải dương học, Công nghệ biển, Địa chất biển, Môi trường biển, Hàng hải... và các ngành, lĩnh vực khác khi được Hiệu trưởng giao.

c)      Tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của Khoa theo sự phân công của Hiệu trưởng; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học.

d)      Tham gia đào tạo ngắn hạn theo sự phân công của Hiệu trưởng.

e)      Lập kế hoạch thực tập cho sinh viên của Khoa, xây dựng chương trình, đề cương thực tập cho sinh viên.

2.       Thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ

a)      Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

b)      Tổ chức thực hiện  công tác nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, sinh viên, thực hiện các đề tài khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Khoa.

c)      Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào giảng dạy.

d)         Tổ chức, tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên ngành hoặc có liên quan.

e)      Thực hiện dịch vụ khoa học theo quy định của Nhà trường và Pháp luật.

3.       Thực hiện các công tác khác.

a) Xây dựng, trình Hiệu trưởng kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của Khoa.

b) Tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Trường.

c) Phối hợp với các đơn vị trong trường quản lý sinh viên đang học tập tại trường.

d) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo và cơ sở vật chất của Khoa theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

e) Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

f) Tham gia sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo các ngành/chuyên ngành của Khoa do Hiệu trưởng giao.

g) Quản lý viên chức, người lao động và cơ sở vật chất, thiết bị của Khoa.

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.

 

Logo Khoa Khoa học biển và hải đảo

Ý tưởng chính

Khoa Khoa học biển và hải đảo là khoa thuộc trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có chức năng giảng dạy và nghiên cứu và vì vậy logo của khoa gắn liền với nhiệm vụ này.

Về hình tượng nghệ thuật

Logo được bao quanh bởi nền tròn xanh đậm – được đưa tên khoa bằng tiếng việt và tiếng anh đặc trưng cho bề mặt biển cả và những ngành khoa học biển đã và đang được nghiên cứu và đào tạo; đồng thời nền xanh đậm này cũng đặc trưng cho những kiến thức cần truyền đạt cho sinh viên khoa Khoa học biển và hải đảo nói riêng và sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi tường nói chung.

Bên trong, ngọn lửa bên trên hình ảnh cuốn sách đang được mở ra có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là ngọn lửa nhiệt huyết của giảng viên và sinh viên sẽ tạo dựng thành công cho khoa trong hiện tại và tương lai. Hơn nữa, hình ảnh cuốn sách mở ra tạo nên hình tượng cánh chim giữa bầu trời kiến thức rộng lớn của khoa học, hình ảnh này cũng là nơi chắp cánh cho những thế hệ nối tiếp nhau trong những năm tháng học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại khoa.

Đặc biệt, hình ảnh đặc trưng cho khoa Khoa học biển và hải đảo chính là con tầu FMS (chữ cái đầu của tên tiếng anh của khoa Khoa học biển và hải đảo - Faculty of Marine Science) đang tiến tới mọi nơi trên từng kinh độ vĩ độ của quả địa cầu Trái Đất và cưỡi trên những con sóng tri thức ra khơi từ mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Về màu sắc

Logo sử dụng năm gam màu: xanh đậm, xanh da trời, xanh lá cây, trắng và nâu đỏ. Gam màu xanh đậm là gam màu chủ đạo chính là đặc trưng cho các ngành Khoa học biển. Màu trắng được sử dụng uốn lượn theo hình chữ “S” tượng trưng cho đất nước Việt Nam.