Chuyển tới nội dung

Xây dựng đề án mở ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ Quản lý biển đảo và đới bờ

29.04.2020

 

Trong những năm gần đây, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường được ban hành đã đặt ra các yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam; Quyết định số 2476/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2012 – 2020. Nội dung chủ đạo là chỉ đạo:"Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế" và "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân".

 

Theo Quyết định số 2476/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2012 – 2020 đã đặt mục tiêu “Phát triển nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có phẩm chất, năng lực phục vụ sự nghiệp phát triển ngành, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước”.

 

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt kế hoạch:

- Giai đoạn 2012 - 2015: Đào tạo từ 500 đến 700 thạc sĩ trong các chuyên ngành về Quản lý kinh tế, chuyên ngành về Tài nguyên và Môi trường; Đào tạo mới, đào tạo chuyển đổi và đào tạo nâng cao từ 3.000 đến 4.000 cán bộ có trình độ đại học các chuyên ngành về Tài nguyên và Môi trường.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục tăng cường và mở rộng đào tạo đại học, sau đại học các chuyên ngành về Tài nguyên và Môi trường, số lượng khoảng 100 đến 150 cán bộ trình độ tiến sĩ; 700 đến 800 cán bộ trình độ thạc sĩ; đào tạo mới và đào tạo nâng cao khoảng 1.500 đến 2.000 cán bộ trình độ đại học

 

Theo quyết định số 2476/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2011 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được Bộ giao nhiệm vụ phải đặt mục tiêu xây dựng Trường nằm trong số 60 trường đại học hàng đầu Việt Nam, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường và thị trường lao động.

Hiện nay, chưa có trường đại học nào đã mở các ngành đào tạo thạc sĩ về Quản lý biển, mới có trường Đại học Quốc Gia Hà Nội đào tạo thạc sĩ ngành kinh tế biển; Trường Đại học Thủy lợi đào tạo thạc sĩ ngành Kĩ thuật công trình biển và quản lý tổng hợp đới bờ…

 

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chương trình thạc sĩ Quản lý biển là chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham vấn các nhà quản lý hàng đầu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, bám sát định hướng phát triển và cơ cấu tổ chức của ngành Quản lý biển từ Trung ương tới cơ sở, cân đối hài hòa giữa các môn học về hệ thống chính sách pháp luật biển, các môn học về công nghệ thông tin ứng dụng trong Quản lý biển, các môn học về Quy hoạch không gian biển, Quan trắc tổng hợp môi trường biển, Dự báo ô nhiễm môi trường không khí và nước biển…, các môn học liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường biển như: Cơ sở tài nguyên và môi trường biển, Quản lý hệ thống đảo Việt Nam, Quản lý tài nguyên biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu...v.v, trong đó trọng điểm làm nòng cốt vẫn là đi sâu vào hệ thống chính sách pháp luật biển và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về biển.

 

Đứng trước nhu cầu của xã hội như đã đề cập ở trên, Khoa Khoa học biển và  và Hải đảo thuộc trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận thấy cần thiết xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu ở trình độ Thạc sĩ ngành “Quản lý biển đảo và đới bờ” để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội  và khu vực.