Bảo vệ cấp nhà nước đề tài KC.09.16/11-15
Chiều ngày 8/3/2016, tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài "Nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học và đề xuất định hướng quy hoạch không gian biển Phú Quốc - Côn Đảo phục vụ phát triển bền vững". Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 mã số KC09.16/11-15 do PGS.TS Phạm Quý Nhân, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học TN&MT Hà Nội - chủ nhiệm đề tài; TS. Nguyễn Hồng Lân, Trưởng khoa Khoa học biển và Hải đảo – thư ký khoa học đề tài. Trường Đại học Tài nguyên và môi trường là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.
Thành phần hội đồng gồm có: PGS.TSKH. Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng cục trưởng - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học công nghệ biển VAST – Chủ tịch Hội đồng; GS.TS. Trương Quang Hải - Phó chủ tịch Hội đồng và các ủy viên phản biện, ủy viên hội đồng là các nhà khoa học thuộc các cơ quan, viện nghiên cứu khác nhau trên cả nước.
Tham dự buổi bảo vệ có đại diện Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Ban chủ nhiệm chương trình, đại diện các vụ chức năng Bộ KHCN và Bộ TNMT; về phía đại diện nhà trường gồm có: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Hiệu trưởng nhà trường; TS. Nguyễn Bá Dũng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng KHCN và HTQT và tập thể cán bộ thành viên chính tham gia thực hiện đề tài.
Vùng ven biển Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của cả nước, các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng hải, khai thác dầu khí, thủy sản, du lịch... đảo Phú Quốc là căn cứ tiền tiêu trong Vịnh Thái Lan, trung tâm của toàn vùng Đông Nam Á, nơi có thể quan sát theo dõi toàn bộ các hoạt động trên các vùng biển rộng lớn phía Đông vịnh Thái Lan và dọc bờ biển Campuchia. Bên cạnh đó, Côn Đảo có vị thế quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, và gần đường hàng hải quốc tế. Vùng Phú Quốc – Côn Đảo là vùng có nhiều vùng nước chồng lấn giữa các quốc gia trong khu vực. Vùng Phú Quốc – Côn Đảo, dải ven bờ biển Nam Bộ nằm trong vùng đất thấp lại chịu tác động mạnh của BĐKH cùng với mực nước biển dâng dễ gây tổn thương trong khu vực. Các hoạt động của con người trên biển ngày một gia tăng, nảy sinh nhiều mâu thuẫn về khai thác, sử dụng vùng không gian biển. Vì vậy, hơn lúc nào hết quy hoạch không gian biển là cấp bách với vùng này. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn đối với vùng biển rộng lớn này đó là quá trình đang thực thi khá nhiều các quy hoạch kinh tế xã hội khác có tính riêng rẽ chuyên ngành hay cho từng khu vực nhỏ và đã có nhiều quy hoạch không thành công. QHKGB với bản chất của nó là quy hoạch quản lý sẽ nhìn ra lợi thế liên kết vùng giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn hoạt động trên biển.
Trường đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học và đề xuất định hướng quy hoạch không gian biển Phú Quốc – Côn Đảo phục vụ phát triển bền vững’’ đã kịp thời đáp ứng tính cấp bách này và để đạt được các mục tiêu sau:
- Xác lập luận cứ khoa học cho quy hoạch không gian biển Phú Quốc – Côn Đảo phục vụ phát triển kinh tế.
- Đề xuất định hướng và đề ra giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch sử dụng không gian biển Phú Quốc – Côn Đảo.
Với 2 mục tiêu trên đây kết quả thực hiện đề tài được xem như là một QHKGB giai đoạn khởi đầu áp dụng cho Phú Quốc – Côn Đảo, các bước tiếp theo cần tuân thủ theo quy trình QHKGB có tính quốc tế.
Dựa trên các nhiệm vụ cụ thể của đề tài, tại buổi họp nghiệm thu, Hội đồng đã thảo luận, xem xét đối với từng nội dung nghiên cứu của đề tài và thống nhất đánh giá kết quả nghiên cứu đạt được, bao gồm:
- Đề tài đã xác định được các luận cứ khoa học cho quy hoạch không gian biển Phú Quốc – Côn Đảo. Các luận cứ khoa học QHKGB được xem xét đến xuất phát từ cơ sở lý luận về QHKGB, luận cứ về mục tiêu, phạm vi quy hoạch, luận cứ về các cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế, điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường cùng với các biến động của chúng trong tương lai. Kết quả này làm nền tảng cho công tác định hướng QHKGB Phú Quốc – Côn Đảo. Xác định được 2 định hướng QHKGB đó là quy hoạch phát triển, quy hoạch bảo vệ môi trường - khu bảo tồn. Các định hướng quy hoạch này đều gắn liền với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc phòng vùng Phú Quốc – Côn Đảo.
- Đề tài đã xây dựng được bộ bản đồ quy hoạch theo 3 tỷ lệ bản đồ 1/25.000, 1/50.000 và 1/200.000 tương ứng cho 2 vùng trọng điểm Côn Đảo, Phú Quốc và toàn vùng Phú Quốc – Côn Đảo.
- Đề tài đã đề xuất được các phương án tổ chức thực hiện trên cơ sở 8 bước QHKGB như đề tài đã lựa chọn cùng với giải pháp phân cấp quản lý; đã bước đầu đề xuất hướng dẫn kỹ thuật QHKGB Phú Quốc – Côn Đảo và kết quả xây dựng CSDL QHKGB Phú Quốc – Côn Đảo. Nội dung hướng dẫn kỹ thuật QHKGB trong phần sản phẩm Đề tài đã tập trung vào hướng dẫn khai thác CSDL trên trang Web, hướng dẫn xây dựng luận cứ QHKGB và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng bản đồ quy hoạch.
- Ngoài kết quả nghiên cứu khoa học trên đây, đề tài đã tổ chức được 4 chuyến điều tra khảo sát trên biển 2 đợt mùa đông và mùa hè năm 2013; Tổ chức được 1 đoàn ra trao đổi kinh nghiệm về QHKGB tại viện thủy lực Hà Lan (Delares); Tổ chức cho 2 cộng tác viên tham gia báo cáo kết quả nghiên cứu có liên quan đến đề tài tại hội nghị quốc tế về Mô hình thủy động lực ở Singapore tháng 10 năm 2014; và 2 cộng tác viên của đề tài đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với nội dung từ kết quả thực hiện đề tài.
- Đề tài đã công bố được 03 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, 02 bài báo trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế.
- Đề tài đã hỗ trợ chuyên môn phục vụ giảng day 2 ngành đào tạo về Quản lý biển và Khí tượng Thủy văn biển góp phần nâng cao năng lực của Khoa Khoa học biển và Hải đảo Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá đạt loại Khá.
Lời cảm ơn của tập thể Ban chủ nhiệm đề tài và các thành viên:
Nhóm thực hiện Đề tài xin được trân trọng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện cho Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện đề tài trong một lĩnh vực rất mới về biển nói chung và về QHKGB nói riêng. Ban Chủ nhiệm đề tài trân trọng cảm ơn Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, BCN Chương trình KC.09/11-15 đã hướng dẫn kịp thời thực hiện về chuyên môn và các thủ tục khác.
Trong quá trình thực hiện, Đề tài đã nhận được sự cộng tác tích cực, có hiệu quả của các đơn vị tham gia như: Viện Cơ học Việt Nam trong tổ chức điều tra khảo sát trên biển 2 đợt mùa đông và mùa hè năm 2013, xử lý số liệu khảo sát về môi trường; Viện Hải Dương học Nha Trang tham gia khảo sát biển, xử lý số liệu khảo sát, tính toán mô phỏng các quá trình thủy khí động lực; Bộ môn Hải dương học - Trường Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh đã cử người tham gia khảo sát, cho phép sử dụng các thiết bị đo đạc trên tàu biển; Viện Tài nguyên Môi trường biển, Viện Địa lý, Viện Địa chất Địa Vật lý biển đã tham gia xây dựng các lý luận về QHKGB, cơ sở khoa học xây dựng các bản đồ định hướng quy hoạch KGB.
Đề tài đã tổ chức cộng tác với hơn 100 các nhà khoa học trong và ngoài Trường Đại học TN và MT Hà Nội liên quan đến quá trình thực hiện 107 chuyên đề và tham gia các hoạt động điều tra khảo sát của đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các nhà khoa học.
Ban chủ nhiệm đề tài trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu Nhà trường, các đơn vị chức năng: Phòng Khoa học Công nghệ và HTQT, phòng Kế hoạch tài chính; phòng Hành chính tổng hợp, các Khoa Khí tượng Thủy văn, Tài nguyên nước, Bộ Môn BĐKH - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tạo mọi thuận lợi, cộng tác tích cực để Đề tài hoàn thành các nhiệm vụ của mình.
Ban chủ nhiệm đề tài
Một số hình ảnh tư liệu buổi bảo vệ:
Một số ảnh tư liệu hoạt động khảo sát của đề tài
Theo tư liệu do ban chủ nhiệm đề tài cung cấp