Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển, hải đảo
Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, hải đảo; 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao… Đó là những mục tiêu chính trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Phát triển ngành kinh tế biển chủ lực
Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên là: Du lịch và dịch vụ biển - Kinh tế hàng hải - Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác - Nuôi trồng và khai thác hải sản - Công nghiệp ven biển - Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Đến năm 2050 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.
Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.
Bảo vệ môi trường biển
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ xác định trong Chiến lược là: từng bước kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển; kiểm soát và quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc.
Đến năm 2030, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường ở các đô thị ven biển; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.
Mở rộng diện tích bảo tồn biển là một mục tiêu của chiến lược (Ảnh: Phạm Hoạch)
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Phấn đấu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 32,3%.
80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao
Theo đó, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn hiện có; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới trên các vùng biển, ven biển và hải đảo; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái.
Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000.
Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.
Thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn...
Khánh Anh
Nguồn:https://monre.gov.vn/Pages/khai-thac-va-su-dung-ben-vung-tai-nguyen-bien,-hai-dao.aspx?cm=Tin%20chuy%C3%AAn%20ng%C3%A0nh
- Dự kiến lập thêm 14 khu bảo tồn biển03.04.2023
- Xây dựng hướng dẫn về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục sự cố tràn dầu03.04.2023
- THÔNG BÁO: Khoa học chuyên sâu Hà Lan21.03.2023
- PhD or MS graduate assistantship in physical oceanography and climate dynamics08.03.2023
- Sẽ thành lập Mạng lưới các khu Ramsar08.02.2023
- Quảng Nam: Đẩy mạnh xã hội hóa truyền thông về biển và đại dương08.02.2023
- Phục hồi hệ sinh thái biển08.02.2023
- Đa dạng hình thức truyền thông về bảo tồn biển08.02.2023
- Hội thảo hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 202207.06.2022
- Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 202201.06.2022
- Thông điệp của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhân Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam06.06.2021
- Phát động Cuộc thi và Triển lãm ảnh về đề tài biển, đảo quê hương05.06.2021