Chuyển tới nội dung

Ưu tiên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về khai thác tài nguyên vùng biển, đại dương

12.12.2019

Việt Nam có bờ biển dài và vùng biển rộng lớn chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, đây là nguồn lợi quan trọng để chúng ta tiến mạnh ra biển,tiếp cận với những lợi ích to lớn do biển mang lại. Vì vậy, có thể nói, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo là chìa khóa để Việt Nam có cơ sở khoa học để hoạch định cơ chế, chính sách pháp luật quản lý , sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên biển.

Bờ biển nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam dài 3.260 km, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền).

Trên vùng biển Việt Nam đã có hơn 11.000 loài sinh vật với hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, với khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đặc biệt, vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó dầu khí là tài nguyên lớn nhất, có vị trí quan trọng trong ngành kinh tế đất nước, cụ thể, ngành ngành dầu khí Việt Nam đóng góp khoảng 30% GDP của đất nước…

Có thể khẳng định vị trí và vai trò to lớn của tiềm năng biển nước ta, tuy nhiên trong vòng những năm trở lại đây, ngoài việc phát hiện thêm mỏ dầu khí và một vài loại khoáng sản ven biển có thể khai thác công nghiệp, Việt Nam chưa có một phát hiện nào mới về tiềm năng khoáng sản khác. Trong đó, hững những kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học về môi trường và các nguồn lợi về thủy hải sản, khí tượng thủy văn cũng chưa có bước tiến dài.

Xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, đảo, ngay từ rất sớm khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 242/HĐBT “Quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiền nước ngoài vào nghiên cứu khoa hoc ở các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam”. Nghị định này đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển của Việt Nam với các quốc gia khác.

(Nguồn Tạp chí thông tin đối ngoại - Phạm Cường)

Bài viết khác