Chuyển tới nội dung

Hội thảo chào mừng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

05.06.2016

Lịch sử, ý nghĩa Ngày đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

Ngày Đại dương thế giới (World Ocean’s Day) là sáng kiến đầu tiên được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro. Sau đó được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào Năm quốc tế đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), khi ấy Việt Nam cũng tham gia sự kiện này.

Từ năm 2009 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn ngày 08 tháng 6 hàng năm là Ngày Đại dương thế giới.

Mục tiêu chung của việc tổ chức ngày Đại dương thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.

Ngày Đại dương thế giới còn là ngày mọi người trên hành tinh của chúng ta kỷ niệm và tôn vinh những giá trị của dại dương cho sự sống, cho những gì nó cung cấp cho con người những gì mà nó đại diện.

Với tư cách là một quốc gia biển, Chính phủ Việt Nam là một trong số 9 quốc gia đầu tiên tổ chức các sự kiện chào mừng ngày Đại dương thế giới vào tháng 6/2009 trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6).

  

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (Viet Nam seas and islands week) được Chính phủ quy định trong Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 và được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hằng năm, để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (05/6) và Ngày đại dương thế giới (08/6).

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

Chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2016 là "Vì một Hành tinh xanh". Mạng lưới đại dương toàn cầu phát động chủ đề năm 2016 - 2017 của Ngày Đại dương thế giới (8/6) là "Healthy oceans, healthy planet" (đại dương khỏe mạnh, hành tinh lành mạnh). Đại dương là sự sống, là sức khỏe của con người. (theo nguồn Bộ Thông tin Truyền thông).

 

(Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 và kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới).

 

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay được tổ chức tại tỉnh Nam Định từ ngày 6 – 8/6/2016. Trong những ngày này, sẽ có chương trình mít tinh kỷ niệm ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề “Vì một hành tinh xanh” tại bãi biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; lễ ra quân lực lượng thanh niên tình nguyện làm sạch môi trường bãi biển, diễu hành xe đạp tuyên truyền môi trường biển và trồng cây xanh bảo vệ bờ biển.

 

Sáng ngày 08/6, tại Hội trường lớn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khoa Khoa học biển và Hải đảo đã tổ chức Hội thảo khoa học “sinh viên nghiên cứu khoa học" để kỷ niệm và chào mừng ngày Đại dương thế giới 08/6 và tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Đến dự có đại diện Ban giám hiệu nhà trường và các phòng Công tác sinh viên, Đào tạo… và các đồng chí đại diên lãnh đạo các khoa, bộ môn và toàn thể các em sinh viên của khoa đã đến tham dự. Đây cũng là một dịp để các em sinh viên có cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học và thực hiện những ý tưởng của mình.

Hội thảo khoa học sinh viên là hoạt động thường niên được tổ chức tại khoa, nếu được cấu trúc tốt, nghiên cứu khoa học trong sinh viên không là cái gì xa vời, nó nằm ngay trong hoạt động đào tạo của khoa. Nó bắt nguồn từ những việc nhỏ như sinh viên tự tìm đọc tài liệu, các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, trao đổi với nhau (và với giảng viên) ở các diễn đàn chính thức và không chính thức đến việc thực hiện các đề án môn học, luận văn tốt nghiệp hay cao hơn là các đề tài nghiên cứu độc lập sau này.

Thực tiễn cho thấy sinh viên học được rất nhiều từ việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong các môn học như việc: sử dụng thư viện, internet, tìm, đọc và tổng kết tài liệu, xác định vấn đề, phương pháp thực hiện, làm việc nhóm, trình bày và bảo vệ… Một đề tài nghiên cứu hay một đồ án tốt nghiệp có thể chưa hoàn thiện về giải pháp nhưng thể hiện được sự đầu tư lớn của các em sinh viên trong việc tìm tòi, vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học thì cũng đã có thể xem là đạt được mục tiêu đề ra.

(Báo cáo tham luận thầy Lê Xuân Tuấn - Phó trưởng khoa)

Hội thảo khoa học đã diễn ra với các phần tranh luận khá sôi nổi và sự làm việc công tâm tích cực của Ban giám khảo, sự cổ vũ nhiệt tình của các lớp sinh viên. Kết quả chung cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học gồm có các giải: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba, 02 giải khuyến khích và 01 giải tiềm năng.

(Nhóm sinh viên đoạt giải nhất - lớp DH3QB2)

Ngày 8 tháng 6 năm 2016 - Khoa Khoa học Biển và Hải đảo.

Ngày 08/06/2016 

 

 

 

Bài viết khác